Chia sẻ

Nghỉ việc – Chia tay văn minh làm nên nhân cách

Văn hóa chia tay là vấn đề ứng xử gây nhiều bức xúc của rất nhiều doanh nghiệp khi có không ít nhân viên giận dỗi đùng đùng, sẵn sàng viết đơn nghỉ việc chỉ vì không bằng lòng với sếp, “sống chết mặc bay” với doanh nghiệp từng gắn bó. Cùng nghe chia sẻ của Huấn luyện viên Lê Phương Dung – CEO MPG Academy, Pharmaco Agency về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

“Những người thông minh sẽ nghỉ việc có trách nhiệm và trân trọng mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũ”

Trong 3 năm khởi nghiệp, mặc dù Pharmaco – học viện MPG chưa lớn, nhưng cũng đào tạo được nhiều Marketer Dược trẻ, nhiều bạn đã ra trường, có bạn đang là sinh viên, và không ít bạn là Dược sĩ xuất thân từ Đại học Dược HN.

Nhưng điều làm mình thất vọng, là bên cạnh nhiều bạn tận tâm trách nhiệm đến ngày làm việc cuối cùng, sang chỗ mới vẫn nhắn tin nhớ công ty, thì không ít bạn lại chưa biết cách cư xử đẹp khi chia tay, nghỉ việc.

Không phải do học vấn, xuất thân, kinh nghiệm, tuổi đời, cũng chẳng phải vì bị đối xử tệ hại, mà vì các bạn chán là nhảy việc và cũng không quan tâm cách chia tay sao cho văn minh.

Trong khi, những năm đầu đi làm, văn hóa chia tay sẽ quyết định nhiều đến tư duy và thương hiệu của chính bạn. Vì vậy, cho dù rời bỏ công việc bạn vì bất cứ lý do nào, hãy để lại ấn tượng tốt đẹp cho những người ở lại để luôn nhận được review tốt, nhất là ở một ngành nhỏ bé như Dược.

Dù vậy, Pharmaco vẫn luôn mở rộng cửa với các bạn Dược sĩ trẻ vì mình tin là các bạn sẽ đủ thông minh để cải thiện sớm kỹ năng này, nếu muốn thành công trong tương lai.

Chỉ xin được chia sẻ 1 số lời khuyên cho các bạn trẻ để mong rằng văn hoá chia tay (trong công việc, tình yêu, bạn bè) đều sẽ được coi trọng như lúc chúng ta tìm đến với nhau.

1. Hãy nói chuyện thẳng thắn trước khi quyết định

Nếu không hài lòng với công việc, mâu thuẫn đồng nghiệp, mức lương không thỏa đáng thì nên gặp sếp nói thẳng và đề xuất giải pháp. Nếu không được thì đề xuất chia tay, nói rõ lý do và thời gian nghỉ, cam kết làm việc trách nhiệm đến tận thời điểm đó.

Đừng bằng mặt, không bằng lòng. Đừng ngồi đó mà làm việc riêng, cuối tháng nhận lương dù tâm để chỗ khác. Đừng nói xấu, đổ lỗi. Nếu không thể tập trung làm hết trách nhiệm theo đủ thời gian quy định thì cứ xin nghỉ sớm nghỉ ngơi, thay vì cố nhận lương những ngày cuối.

Nói chuyện thẳng thắn trước khi đưa ra quyết định
                      Nói chuyện thẳng thắn trước khi đưa ra quyết định

Nói thật sẽ tốt cho cả 2 bên vì các sếp đa phần đều kinh nghiệm nên không khó để nhìn ra vấn đề. Đừng nghĩ mình nghỉ công ty sẽ sập vì không có ai thay được mình. Chỉ là nghĩ cho mình cũng nên nghĩ cho người khác, sao cho việc nghỉ ít ảnh hưởng nhất đến công ty và đồng nghiệp

2. Báo trước thời gian nghỉ và tận tâm đến ngày cuối cùng.

Đừng sợ báo sớm thì sếp nghĩ mình không còn gắn bó mà cho bạn nghỉ luôn. Sếp làm vậy chỉ khi bạn không có chút giá trị nào với công việc, còn đa phần đều sẵn sàng trả lương cho các nhân sự tâm huyết trong thời gian tìm người thay thế.

Hãy tận tâm làm việc đến ngày nào bạn còn nhận lương, dù không còn được giao việc mới, nhưng hãy tập trung làm tốt công việc cũ, đó là bạn đang tự rèn luyện đức tính tốt cho chính mình và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Tôi rất vui khi hôm nay vẫn còn nhận được tin nhắn công việc của Võ Hoàng dù bạn đã không còn nhận lương từ giữa tháng 4.

nghi-viec-van-minh-lam-nen-nhan-cach
                 Làm việc tận tâm đến tận ngày cuối cùng

Hãy chuẩn bị việc bàn giao thật cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm đến ngày nghỉ.Bạn sẽ thấy mình nhẹ lòng khi ra đi và sự tử tế này sẽ mang cho bạn may mắn, tiếng tốt trong ngành.

Tôi từng xin sếp cho làm nốt tháng 10 để tổ chức trọn vẹn thành công 4 hội nghị khách hàng mới yên tâm nghỉ

3. Cẩn trọng bàn giao các công việc bạn đang làm

Nếu đã quyết định nghỉ việc, đừng quên lên kế hoạch bàn giao để đảm bảo sau khi bạn nghỉ, mọi công việc sẽ tiếp tục triển khai suôn sẻ.

Đặc biệt là bạn cần học kỹ năng tổng hợp lại các tài liệu và báo cáo vào kho dữ liệu riêng để chuyển tới người được bàn giao. Tôi đã từng dành nhiều ngày để soạn lại các folder tài liệu hàng trăm GB cho hơn 5 năm làm việc, kèm file excel hướng dẫn chi tiết, dù chẳng có ai để nhận bàn giao.

nghi-viec-van-minh-lam-nen-nhan-cach
                       Bàn giao lại đầy đủ công việc trước khi nghỉ

Với những việc cần phải chuyển đầu mối làm việc, hãy báo trước với sếp và có lời giới thiệu với đối tác để họ nắm được tinh thần cũng như không bất ngờ khi thấy bạn rời nhóm công việc trên zalo. Đó là cách bạn giữ thương hiệu cho cá nhân và uy tín của công ty trong mắt đối tác.

Và đừng quên giải quyết mọi khúc mắc, tồn đọng trước đây rồi hãy bàn giao cho đồng nghiệp, đừng đá quả bóng để họ phải giải quyết những việc bạn làm dang dở.

4. Chính trực và biết ơn những điều nhỏ bé

Dù trả bạn mức lương bao nhiêu thì khi tuyển bạn vào làm việc, công ty đều bỏ rất nhiều công sức đào tạo, giúp bạn tiến bộ, mang lại cho bạn nguồn thu nhập chính đáng, hãy biết ơn mọi điều nhỏ bé đó.

Đừng nghĩ khách hàng mới là người trả lương cho bạn, đừng coi mọi sự giúp đỡ là đương nhiên, đừng nói xấu, đừng quay lưng bội bạc. Hãy chính trực, quân tử, giữ gìn tình cảm tốt đẹp khi chia tay để tự tin quay trở về chốn cũ bất cứ lúc nào, dù là về chơi hay quay lại làm việc.

5. Đừng gửi 1 tin nhắn vội vàng trong nhóm rồi out ngay sau đó

Hãy gặp từng người quan trọng với bạn, để tạm biệt, gửi email cảm ơn, chào tạm biệt mọi người trong công ty vào ngày Last working day (ngày làm việc cuối) và cho mọi người cơ hội được reply gửi lời chúc cho bạn. Đây là văn hóa tôi học được khi làm hãng GSK và luôn duy trì nó trong suốt công ty tôi đã đi qua.

nghi-viec-van-minh-lam-nen-nhan-cach
                 Không nên nghỉ việc qua vài dòng tin nhắn

Giờ thời đại 4.0 làm cho các bạn trẻ cũng dần lệ thuộc vào mạng xã hội, không học được văn hóa này. Mà chỉ gửi vội 1 tin nhắn trong nhóm facebook, zalo rồi out ngay sau đó vài phút, chẳng để cho mọi người kịp đọc, chứ chưa nói đến việc chào tạm biệt.

6. Đừng từ chối buổi tiệc chia tay

Đừng bực bội, ấm ức đến mức không thèm tham dự buổi chia tay công ty tổ chức cho mình. Đó không phải là việc bắt buộc ghi trong luật lao động, hay vì sợ bạn mà công ty phải làm. Đó là sự ghi nhận công sức nhân sự nghỉ việc mà không phải công ty nào cũng làm được. Bạn nên trân trọng điều đó thay vì coi thường.

nghi-viec-van-minh-lam-nen-nhan-cach
                      Nên trân trọng buổi chia tay của công ty

Hãy vui vẻ đúng mực, đừng tỏ ra hả hê, nghỉ việc như trả thù cá nhân. Trân trọng công ty và kết nối với đồng nghiệp cũ một cách chân thành.

Tôi chưa bao giờ hỏi ứng viên “Bạn chia tay công ty cũ như nào” vì biết khó có câu trả lời trung thực.

Nhưng lời khuyên cho các bạn là “Gặp gỡ đẹp không nói lên điều gì, nhưng chia tay văn minh làm nên nhân cách một người tử tế”

Lê Phương Dung

Với tôi thành công và thất bại trong ngành dược đều đã gặp không ít, nhưng mẫu số chung ở mọi thời điểm là tôi luôn nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, vững tin vào con đường mình đã chọn và cố gắng đúc kết những bài học cho lớp trẻ kế cận.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button